Tăng trưởng doanh số bán lẻ, doanh nghiệp Việt Nam cần công nghệ marketing gì?

Với sự phát triển của kỹ thuật số, rất nhiều hình thức marketing “số hóa” ra đời nhằm tối ưu những hiệu quả cho hoạt động marketing của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là SMEs muốn đẩy mạnh doanh số nhưng chưa biết nên tập trung xây dựng và ưu tiên phát triển hình thức marketing nào.

Video content là xu hướng hàng đầu

Một nền tảng có tốc độ phát triển thần tốc nhất trong năm “đại dịch” 2020 chính là TikTok. Mạng xã hội này là minh chứng cho sự lên ngôi của xu hướng video content và là mảnh đất vàng cho hoạt động marketing. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp e ngại TikTok chỉ phù hợp với thế hệ Z nhưng thực tế đã chứng minh, TikTok đã phổ biến rộng rãi hơn ở nhiều lứa tuổi và là kênh quảng cáo hiệu quả mà nhiều đơn vị lựa chọn.

Nói về giải pháp TikTok cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Lâm Thanh (Giám đốc Chính sách công TikTok) chia sẻ: “Các nhà bán lẻ nên tập trung vào video content và Influencer để định hướng phát triển cho mình trong năm 2021. Khi các nền tảng đã sẵn sàng về công nghệ thì tương lai gần, tất cả mọi người đều có thể thuận lợi bán hàng qua công cụ online, đặc biệt là livestream. Vấn đề đặt ra là làm sao để hướng dẫn cho người dùng cách sử dụng các tính năng này”. 

Cá nhân hóa người dùng với công nghệ AI

AI có khả năng thấu hiểu hành vi và tương tác với người sử dụng một cách thân thiện nhất. Doanh nghiệp có thể biết tầm quan trọng của công nghệ nhưng rất khó để tiếp cận cũng như có thể xây dựng đội ngũ kỹ thuật riêng. Thay vào đó, SMEs nên hướng đến việc xác định một số yếu tố cần thiết nhất của mình (kênh, kinh phí, mục tiêu…) và hợp tác cùng các đơn vị chuyên gia để được tư vấn. 

Bà Phạm Như Ý (Business Development Director của Appier Inc) nhận định: “Trong năm 2021, AI vẫn tiếp tục phát triển và giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp trí thông minh, giúp doanh nghiệp ứng phó với những thay đổi, cá nhân hóa người dùng, mang lại lợi nhuận cao khi tiếp cận đúng người, đúng thời điểm và đúng việc”.

Cá nhân hóa đa kênh là chìa khóa thu hút khách hàng hiệu quả

Theo một thống kê, có 85% người dùng mong muốn nhưng chỉ có 3% các công ty Hoa Kỳ có cá nhân hóa người sử dụng. Một trong những cách mà doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu này đó là sử dụng CDP (Customer Data Platforms). 

Ông Đinh Lê Đạt (Chairman CDP Institute Southeast Asia) cho biết: “Các thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã có rất nhiều giải pháp CPD cho SMEs và chúng không phức tạp như nhiều người vẫn nghĩ. CPD có thể giúp doanh nghiệp tự động hóa với mức giá hợp lý (chỉ từ 20-100 đô la/tháng). Điều đáng lưu ý, data và sự thấu hiểu khách hàng mới chính là chìa khóa cho doanh nghiệp chứ không phải vấn đề kinh phí hay công cụ”.

Đừng bỏ qua livestream trên các sàn thương mại điện tử

Livestream bán hàng là xu thế tất yếu. Trong thương mại điện tử, điều mà online phải cạnh tranh với offline chính là trải nghiệm của người dùng về sản phẩm và livestream là giải pháp hiệu quả nhất cho online.

Tại Trung Quốc, theo dữ liệu thống kê mới nhất thì tổng lượng hàng hóa bán qua livestream đạt gần 180 tỷ đô la (tăng trưởng gấp 3 lần so với năm 2019). Riêng lượt livestream của nền tảng GoStream trong mùa dịch 2020 cũng tăng gấp đôi. 

Hiện nay, các doanh nghiệp chỉ thường tập trung livestream ở Facebook. Trong khi đó, các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki đã cho phép và có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp livestream. 

Ông Phạm Liêm (CGO của GoStream) cho biết: “Khác với người xem Facebook chủ yếu giải trí thì người lướt các sàn thương mại điện tử thường có mục đích chính là mua hàng. Vì vậy, các doanh nghiệp cần khai thác tối đa ưu điểm của livestream trên các sàn thương mại điện tử thay vì chỉ tập trung vào các platform truyền thống”.

Hãy để Influencer thay doanh nghiệp tạo lòng tin và bán hàng

Influencer Marketing đang ngày càng được SEMs sử dụng phổ biến. Lời giới thiệu từ Influencer có thể tăng sự tin tưởng gấp 5 lần so với việc doanh nghiệp tự quảng cáo. Nhìn chung, doanh nghiệp có thể sử dụng Influencer Marketing với ba mục đích chính: lan tỏa thương hiệu, chứng thực chất lượng sản phẩm và bán hàng (social commerce). Trong đó, social commerce được dự đoán sẽ phát triển mạnh nhất và là tương lai của Influencer Marketing.

Trong năm 2021, doanh nghiệp cần chú trọng hơn đến xây dựng hình ảnh thương hiệu để phát triển lâu dài thay vì chỉ tập trung và các biện pháp ngắn hạn để đẩy số. Theo đó, Influencer Marketing là công cụ tốt để doanh nghiệp có thể làm được việc đó.

Là CEO của Influencer Platform hàng đầu thị trường, Ông Andy Nguyễn (CEO của 7SAT) chia sẻ: “Có rất nhiều đơn vị chuyên về Influencer Marketing hiện nay, nhưng riêng 7SAT luôn tự tin bởi sự khác biệt của mình từ kinh nghiệm dày dặn (chính thức ra mắt từ năm 2018 và đã vận hành hàng trăm chiến dịch), mạng lưới Influencer hàng đầu thị trường (dữ liệu hơn 16K Influencer, có hơn 10K marketer sử dụng), phát triển đầy đủ các platform tối ưu cho doanh nghiệp, chú trọng yếu tố con người với sự tận tâm và trách nhiệm cao”.

Hiểu khách hàng từ những hành động nhỏ

Dữ liệu khách hàng là nguồn nguyên liệu quý giá không thể mua được. Hơn thế, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ và có công cụ phân tích để tiếp cận khách hàng tốt hơn. Có hai hướng để áp dụng data là tận dụng dữ liệu đã có của doanh nghiệp và sử dụng công cụ từ hệ thống, tự động nhận dạng những sản phẩm đó phù hợp với vị trí nào thì mang về chuyển đổi cao nhất. Đó là những gì mà MGID mang đến, dựa trên những thông tin thu được từ quá trình quảng cáo cho khách hàng và đề xuất những vị trí phù hợp nhất.

Nguồn: Advertising Vietnam